Thất nghiệp: chưa thể vội mừng!

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Thursday 25/07/2013 - 12351 lượt xem.

Nền kinh tế tuy đang có những dấu hiệu lạc quan hơn, nhưng tình trạng việc làm của người lao động vẫn chưa thực sự được cải thiện. Thất nghiệp vẫn là một nỗi lo lớn!

aafbe9ad7f662a54ed96d98463397a8a

 

                                  Người lao động tìm kiếm thông tin việc làm và xếp hàng chờ đăng ký BHTN trước trung tâm giới thiệu việc làm quận Bình                                   Thạnh chiều 23.7.2013. Ảnh: Thanh Hảo

 

Xu hướng tăng

Chị Mai Thị Thuý đang là kế toán cho văn phòng đại diện một liên doanh sản xuất ximăng có trụ sở tại quận Đống Đa, Hà Nội. Cách đây một tuần, công ty đã có văn bản chính thức gửi đến toàn thể nhân viên ở đây là đến đầu tháng 9 tới, công ty sẽ chính thức giải thể văn phòng đại diện tại Hà Nội. Công ty sẽ thanh lý hợp đồng lao động với toàn bộ nhân viên ở đây theo đúng quy định pháp luật. Chị Thuý cho biết văn phòng tại Hà Nội của công ty có gần 30 nhân viên, giờ đang nháo nhác tìm việc mới. “Tuy nhiên thời điểm này cũng chưa ai tìm được, gõ cửa nhiều nơi, nhưng cũng chưa có hy vọng”, chị Thuý nói.

Văn phòng đại diện tại Hà Nội của liên doanh sản xuất ximăng, nơi chị Thuý làm việc đã ba lần giảm lương kể từ đầu năm tới nay, tuy nhiên, sau một thời gian, thị trường không có dấu hiệu tốt lên, doanh thu vẫn sụt giảm liên tục, công ty đã quyết định dừng hoạt động của văn phòng Hà Nội. Nhiều công ty ximăng khác cũng trong hoàn cảnh tương tự khi thị trường bất động sản “bất động” trong nhiều tháng qua. Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), cho biết hiện nay, dư thừa năng lực sản xuất ximăng khoảng 20 – 25 triệu tấn, tương đương mười nhà máy cỡ lớn. Đa số doanh nghiệp ximăng kinh doanh thua lỗ, nợ nần chồng chất. Thực tế này khó có thể đảm bảo người lao động giữ được việc làm và có thu nhập ổn định như trước đây.

Một ngành khác liên quan tới bất động sản là ngành thép cũng đứng trước nguy cơ nhiều doanh nghiệp phá sản. Giá thép bán giảm từ 300 – 500 đồng/kg, sức mua yếu và tồn kho tăng đã khiến người lao động phải giảm thời gian làm việc, giảm thu nhập. Tại một số doanh nghiệp, tuy chưa cho người lao động nghỉ hẳn, nhưng nghỉ chờ việc và chỉ làm 1 – 2 buổi/tuần khiến thu nhập sụt giảm nghiêm trọng.

Theo báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế xã hội sáu tháng đầu năm của tổng cục Thống kê, trong nửa năm qua, tỷ lệ thất nghiệp của lao động nước ta là 2,28%, tỷ lệ thiếu việc làm của người lao động là 2,95%. Thanh niên có độ tuổi từ 15 – 24 thất nghiệp nhiều nhất với tỷ lệ 6,07%. “Nhìn chung, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng lên do sản xuất khó khăn ảnh hưởng đến việc làm của người lao động”, báo cáo nhận định.

Thực tế

Cho dù nhận định về xu hướng thất nghiệp tăng, nhưng ông Đỗ Thức, tổng cục trưởng tổng cục Thống kê thừa nhận, việc áp dụng tiêu chí theo chuẩn quốc tế để đánh giá tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở nước ta là có vấn đề. Tiêu chí để đánh giá người thất nghiệp là chỉ cần làm việc và có thu nhập một giờ trong bảy ngày trong tuần là đã không thất nghiệp. Chính vì vậy, tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta luôn thấp do lao động phi chính thức chiếm tỷ lệ lớn, trong khi thực tế số lao động thiếu việc làm nhiều hơn so với số liệu thống kê báo cáo.

Đến thời điểm này, cơ quan quản lý nhà nước về việc làm là bộ Lao động – thương binh và xã hội vẫn chưa công bố được báo cáo chi tiết nào về tình hình thất nghiệp của người lao động, để từ đó có các đề xuất hay tư vấn cho Chính phủ đưa ra các giải pháp để hỗ trợ, hoặc tạo thêm việc làm cho người lao động. Bộ Lao động – thương binh và xã hội vẫn đang tự tin như trả lời của bộ trưởng trước Quốc hội mới đây: doanh nghiệp phá sản nhiều, nhưng doanh nghiệp mới lại được thành lập còn thu hút thêm nhiều lao động hơn. Tuy nhiên, chắc bộ trưởng bộ Lao động – thương binh và xã hội chưa từng yêu cầu nhân viên của mình đọc chỉ số hàng tồn kho của từng ngành để thấy rằng, đã tồn kho nhiều thì sản xuất đình trệ, sản xuất đình trệ thì việc làm không thể tăng trưởng được.

TÂY GIANG

Nguồn báo SGTT