Thông tuyến bảo hiểm y tế: Trái tuyến vẫn hưởng 100% chi phí

Đăng bởi: Phạm Hằng - Monday 24/02/2020 - 2878 lượt xem.

Với chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, hầu hết ai cũng đã sở hữu cho mình một tấm thẻ BHYT. Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng “rành” về giá trị và những quyền lợi mà tấm thẻ này mang lại.

Thông tuyến bảo hiểm y tế là gì?

Thực tế, không phải bất cứ lúc nào người dân cũng có thể khám, chữa bệnh BHYT theo đúng cơ sở khám, chữa bệnh đăng ký ban đầu, đặc biệt là với những người phải thay đổi nơi sinh sống vì lý do học tập hoặc làm việc.

Do đó, để tạo điều kiện cho người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của mình, khoản 4 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014 nêu rõ:

Từ ngày 01/01/2016, người tham gia BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh với mức hưởng như khi khám, chữa bệnh đúng tuyến.

Như vậy, với quy định này, có thể hiểu, thông tuyến bảo hiểm y tế là việc người bệnh đi khám, chữa bệnh tại bất cứ bệnh viện tuyến huyện nào trên cùng địa bàn tỉnh đều được hưởng quyền lợi như nhau.

Thông tuyến bảo hiểm y tế (Ảnh minh họa)

Quyền lợi khi thông tuyến BHYT

Như đã phân tích, khi thông tuyến BHYT, người bệnh được khám, chữa bệnh tại bất cứ trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh với mức hưởng như khám, chữa bệnh đúng tuyến.

Cụ thể theo khoản 1 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014 và Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì người bệnh được hưởng:

– 100% chi phí nếu là sĩ quan, hạ sĩ quan quân đội, công an nhân dân; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 6 tuổi; người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, tại xã đảo, huyện đảo…

– 100% chi phí với trường hợp chi cho một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở;

– 100% chi phí khi khám, chữa bệnh tại tuyến xã;

– 100% chi phí với người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến;

– 95% chi phí nếu là người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; thân nhân người có công với cách mạng, trừ cha/mẹ đẻ, vợ/chồng/con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ; người thuộc hộ gia đình cận nghèo;

– 80% chi phí với các đối tượng khác.

Đặc biệt, từ ngày 01/01/2021, quỹ BHYT sẽ chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng nêu trên cho người tham gia BHYT khi tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước.

Do vậy, tính đến thời điểm hiện tại, việc thông tuyến BHYT mới được áp dụng ở các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã và tuyến huyện. Chỉ đến năm 2021 thì việc thông tuyến sẽ được thực hiện ở cả tuyến tỉnh, lúc này, người dân sẽ có nhiều thuận lợi hơn cũng như được hỗ trợ nhiều hơn trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho mình.

Nguồn: Luatvietnam

Tags: