Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào sản xuất, xuất khẩu, và thị trường lớn là Mỹ. Thuế đối ứng tác động rất lớn đến kinh tế Việt Nam và cũng sẽ liên quan đến sự phát triển của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đầu tư trong nước, dịch vụ và việc làm.
Do tác động của thuế đối ứng, các DN FDI thuộc 6 nhóm ngành nghề sau có thể rời khỏi Việt Nam : đồ chơi và dụng cụ thể thao, giày dép, điện tử và linh kiện bán dẫn, dệt may, sản xuất sản phẩm nhựa, hóa chất; đồ nội thất. Hàng hóa của Việt Nam giảm sức cạnh tranh đáng kể khi xuất khẩu sang Mỹ.
CHÚNG TA CÓ THỂ ĐỨNG NGOÀI LỀ ĐƯỢC KHÔNG ?
Chúng ta là một mắt xích trong một chuỗi cung ứng toàn cầu và chịu tác động liên đới trực tiếp, ảnh hưởng đến công việc và kinh doanh của từng cá nhân, từng doanh nghiệp. Một chính sách thương mại ở nửa kia quả địa cầu đã ngay lập tức tác động đến nền kinh tế Việt Nam, đến các doanh nghiệp, các nhà đầu tư …
Chỉ 3 ngày sau khi ông Trump công bố kế hoạch “Thuế đối ứng”, Vnindex lao dốc từ 1,317.83 về 1,094.3 điểm, giảm ~ 17% giá trị. Và rồi trong 2 ngày 10-11/04, đã hồi phục về 1,222.46 điểm, khi chính sách thuế đối ứng tạm hoãn 90 ngày. Mức độ biến động rất cao trong thời gian ngắn, có thể ví như 1 cơn bão, 1 sự kiện chấn động với các nhà đầu tư cá nhân.
Bạn đã có sự chuẩn bị gì để “đón bão”, hay đã có biện pháp gì để khắc phục hậu quả ? Lúc nắng ấm, trời xanh gió mát, mọi việc dường như rất ổn. Lúc dông bão, bạn có thấy mình đang chơi vơi ? Đó là dấu hiệu của việc thiếu quản trị rủi ro trong Hoạch định Tài chính cá nhân, dấu hiệu của việc chưa “phòng bệnh” – trong khi ai trong chúng ta cũng thuộc nằm lòng câu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
MỘT KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH CÁ NHÂN CẦN ĐƯỢC THIẾT LẬP
1. Phân tích tình hình tài chính và xác định các mục tiêu
Việc phân tích tình hình tài chính hiện tại giúp bạn xác lập được vị thế tài chính của bản thân và gia đình, biết mình đang ở đâu và có những mục tiêu tài chính ngắn, trung và dài hạn nào cần hướng đến. Để đi từ A đến B, chúng ta có những nguồn lực nào, sử dụng và tối ưu nguồn lực ra sao để đạt kết quả tốt nhất ?
Các yếu tố cần được xem xét bao gồm :
– Nhân khẩu học tài chính như độ tuổi, số lượng người phụ thuộc về tài chính và thời gian phụ thuộc
– Kiến thức, kinh nghiệm làm việc hoặc kinh doanh, độ ổn định của nguồn thu nhập
– Mức chi tiêu có hợp lý chưa và thặng dư có phù hợp với việc sử dụng đòn bẩy tài chính hay không
– Kiến thức và kinh nghiệm đầu tư
– Hồ sơ rủi ro, bao gồm Khả năng chịu đựng rủi ro và Thái độ đối với rủi ro
– Các mục tiêu ngắn, trung và dài hạn của bản thân và những người phụ thuộc về tài chính
2. Thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn tài chính
Đây là một bước quan trọng trong Hoạch định tài chính cá nhân, nhằm đảm bảo cho bản thân và gia đình bạn không bị thiệt hại kép khi có rủi ro bất ngờ xảy ra.
– Bạn cần xây dựng quỹ dự phòng để bù đắp, chi trả cho khoản thiếu hụt thu nhập tạm thời, hoặc chi trả cho những khoản chi tiêu đột xuất, khẩn cấp.
– Bảo hiểm đóng vai trò là tấm lá chắn bảo vệ tài sản cũng như bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình bạn. Bảo hiểm cung cấp tài chính cho những trường hợp có mức độ ảnh hưởng lớn như mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn hay tử vong, hạn chế việc thanh lý tài sản đột ngột khiến cho chu kì đầu tư bị gián đoạn, lợi nhuận kì vọng không đạt như dự kiến.
3. Xây dựng Danh mục đầu tư dựa trên Hồ sơ rủi ro và Mục tiêu tài chính
Việc đầu tư theo chu kì là yếu tố then chốt để có thể đầu tư bền vững. Chúng ta nên xuôi theo dòng nước để quá trình đầu thuận lợi.
Bên cạnh đó, Danh mục đầu tư cần tương thích với Mục tiêu tài chính. Tài sản đầu tư phù hợp cho các mục tiêu tài chính ngắn hạn là các tài sản đầu tư có thể bảo toàn vốn, như tiền gởi, khi cần có thể thanh khoản nhanh để đáp ứng các mục tiêu này. Với các mục tiêu dài hạn thì sản phẩm đầu tư phù hợp sẽ đa dạng hơn, trong đó chứng khoán và bất động sản là kênh đầu tư trung và dài hạn.
Như vậy, các tài sản đầu tư đáp ứng mục tiêu tài chính ngắn hạn sẽ ít bị ảnh hưởng bởi cơn bão tài chính. Trong dài hạn, Danh mục đầu tư dài hạn có thể bị ảnh hưởng mạnh bởi những cơn bão bất chợt, tuy nhiên việc quản trị vốn và quản trị rủi ro, nắm bắt thị trường thường xuyên khiến cho ở tình huống nào, chúng ta cũng vẫn có thể tận dụng những cơ hội đầu tư trên thị trường.
Các nhà đầu tư cá nhân không chuyên có thể ủy thác đầu tư hoặc mua chứng chỉ quỹ, để giảm thiệt hại của những cơn bão lớn. Ở những thời điểm sóng gió như thế này, vai trò của Cố vấn Tài chính được khẳng định rõ rệt, giúp các nhà đầu tư cá nhân ổn định tâm lý và xác lập được vị thế tài chính trong dài hạn.
4. Nâng cao năng lực để vững tâm lý khi đầu tư
Nâng cao năng lực tự thân hoặc thông qua Cố vấn tài chính bằng việc “chuyển giao kiến thức” trong quá trình đồng hành thực thi kế hoạch tài chính.
5. Thường xuyên đánh giá lại kế hoạch tài chính và có điều chỉnh phù hợp
Việc thường xuyên cập nhật tình hình kinh tế chính trị vĩ mô đi đôi với các kịch bản quản trị rủi ro giúp chúng ta có những quyết định tài chính kịp thời. Trên hành trình cuộc sống, sẽ có những ổ gà, ổ voi, những ngã rẽ phát sinh, việc có một kế hoạch tài chính cá nhân toàn diện cùng với những biện pháp quản trị rủi ro sẽ giúp chúng ta vững vàng vượt qua những cơn bão tài chính !
Biên tập : Trần Thị Mai Hân – Chuyên gia Hoạch định Tài chính Cá nhân, Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Quản lý Gia sản FIDT