Webketoan – Trang tin Tài chính – Kế toán – Thuế

Thuế đối với chứng khoán: Chính sách và thực tiễn

 (eFinance số 114 Ngày 15/12/2012) – Kỳ quyết toán thuế năm 2012 đến gần, các doanh nghiệp (DN) đang thực hiện rà soát lại việc khấu trừ thuế thu nhập và hoàn tất thủ tục cho các giao dịch chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng vốn của các nhà đầu tư; trong khi các cơ quan có chức năng kiểm toán, thanh tra, kiểm tra thuế đang gấp rút thực hiện các kết luận việc truy thu, xử phạt thuế…

Thực tiễn đã và đang đặt ra nhiều câu hỏi bức xúc: Tại sao việc chuyển nhượng cổ phần tại DN lúc này thì thu thuế, nhưng trước đó không thu? Giải thích thế nào khi cùng một việc chuyển nhượng có nơi áp thuế 20% trên thực lãi, nhưng tại nơi khác lại áp thuế 0,1%, trường hợp này áp thuế thu nhập doanh nghiệp, trường hợp   khác áp thuế thu nhập cá nhân? Câu trả lời chung nhất là: Hãy coi lại cụ thể hơn ai là người chuyển nhượng, pháp nhân hay thể nhân; Chuyển nhượng vào năm nào và thân phận của anh ta, cư trú hay không cư trú… từ đó mới biết được việc áp thuế không sai!!! Để hiểu rõ quy định về thuế, thống nhất cách hiểu và thực thi pháp luật, đồng thời có các đóng góp với Bộ Tài chính trong việc nghiên cứu xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về thuế, tạp chí e.Finance đăng bài viết nhiều kỳ của ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính với chủ đề “Thuế đối với chứng khoán, giao dịch vốn trong doanh nghiệp – Chính sách và thực tiến”.

Chứng khoán và các đối tác tham gia thị trường

Theo quy định của Luật Chứng khoán (năm 2006) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán (năm 2010) thì chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành.

Chứng khoán được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử, bao gồm các loại: Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; Quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; Hợp đồng góp vốn đầu tư và các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định.

Thị trường giao dịch chứng khoán (quen gọi thị trường chứng khoán – TTCK) là địa điểm hoặc hình thức trao đổi thông tin để tập hợp lệnh mua, bán và giao dịch chứng khoán. TTCK là một bộ phận quan trọng của thị trường vốn, được tổ chức hoạt động nhằm mục đích huy động những nguồn vốn tiết kiệm nhỏ trong xã hội tập trung thành nguồn vốn lớn để tài trợ cho DN, các tổ chức kinh tế và Chính phủ để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế hay tài trợ cho các dự án đầu tư.

Tại Việt Nam, theo quy định của pháp luật hiện hành về chứng khoán thì những đối tác tham gia TTCK bao gồm: Người bán chứng khoán lần đầu tại thị trường sơ cấp (tổ chức phát hành). Nhìn chung, đây là các DN đáp ứng đủ điều kiện được chào bán chứng khoán do họ được phép phát hành ra công chúng, riêng loại chứng khoán là trái phiếu chính phủ thì tổ chức phát hành sẽ là một cơ quan do Chính phủ chỉ định.

Người mua, bán chứng khoán được gọi chung là nhà đầu tư chứng khoán, gồm nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài. Trong đó, có nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (như ngân hàng, công ty tài chính, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, tổ chức kinh doanh chứng khoán…) và nhà đầu tư cá nhân.

Nhà đầu tư có thể tự mình trực tiếp mua/bán chứng khoán trên thị trường, cũng có thể đầu tư thông qua các quỹ đầu tư. Theo nhiều ý kiến trao đổi, việc đầu tư thông qua các quỹ được xem là có tính chuyên nghiệp cao hơn, có lợi cho thị trường nhiều hơn so với hoạt động trực tiếp đầu tư. Người tham gia cung cấp dịch vụ phục vụ hoạt động của thị trường và các nhà đầu tư. Đây là những đối tượng thực hiện các nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán.

Thuế đối với giao dịch chứng khoán

Theo cách tiếp cận phổ thông nhất thì trên mỗi một thị trường giao dịch đều chứa đựng các yếu tố đó là: Hàng hoá/dịch vụ tham gia giao dịch (đối tượng giao dịch) và người tham gia giao dịch với tư cách là bên bán, bên mua hay bên môi giới, đại lý (bên trung gian mua/bán), nhà tư vấn… Để có thể nhận biết một cách rành mạch về nghĩa vụ thuế đối với từng hoạt động trên TTCK, phần này xin được giới thiệu một cách tóm tắt về chính sách và các quy định pháp luật thuế hiện hành đối với hàng hoá tham gia thị trường và thuế đối với từng đối tác tham gia thị trường.

Nghĩa vụ thuế đối với tổ chức phát hành: Theo Luật Chứng khoán thì tổ chức phát hành bao gồm các DN là pháp nhân Việt Nam thuộc các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có đủ điều kiện, được pháp luật cho phép phát hành chứng khoán ra công chúng.

Nghĩa vụ thuế đối với tổ chức phát hành được nhận biết trên 2 khía cạnh khác nhau, đó là: Thứ nhất, với hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ thường xuyên mà DN đang tiến hành, tạo cơ sở kinh tế cho việc niêm yết (như hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất cao su, hoạt động ngân hàng…) thì tổ chức phát hành là DN thực hiện nghĩa vụ nộp các loại thuế theo thực tế kinh doanh.

Thứ hai, với hoạt động phát hành chứng khoán, chào bán cổ phiếu, DN thu được tiền, nhưng đây không phải là doanh thu, cũng không phải là thu nhập, mà là số vốn họ huy động được từ các nhà đầu tư mua chứng khoán do họ phát hành. Do đó, như một lẽ thường tình, DN không phải trả bất cứ một khoản thuế nào, nhưng DN phải trả khoản phí dịch vụ cho các đối tác cung cấp dịch vụ. Với dịch vụ hành chính, dịch vụ công do cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán (UBCKNN) thực hiện thì DN nộp phí, lệ phí theo quy định của Pháp lệnh phí và lệ phí bao gồm: lệ phí chấp thuận chào bán cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ ra công chúng (thấp nhất 10 triệu đồng, cao nhất 50 triệu đồng tùy quy mô của khối lượng phát hành) và phí quản lý công ty đại chúng (10 triệu đồng/năm).

Nghĩa vụ thuế đối với nhà đầu tư chứng khoán: Đối với nhà đầu tư chứng khoán là tổ chức: Nhà đầu tư chứng khoán là tổ chức tham gia thị trường với nghiệp vụ mua/bán để kiếm lời hoặc đầu tư dài hạn thông qua việc mua cổ phiếu của DN niêm yết.

Tùy thuộc vào thời gian nắm giữ chứng khoán và mục đích đầu tư, nghĩa vụ thuế được quy định cụ thể như sau: Đối với giao dịch mua bán hàng hóa là chứng khoán, DN và nhà đầu tư sẽ không phải nộp thuế GTGT theo quy định của Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 ngày 03/6/2008 và các văn bản hướng dẫn. Đối với thu nhập do chuyển nhượng chứng khoán, DN sẽ kê khai nộp thuế TNDN 25% theo quy định của Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12 ngày 03/6/2008.

Đương nhiên, các lô mua bán có chênh lệch âm (lỗ) được bù trừ kế quả với các lô mua bán chênh lệch dương (lãi). Đối với thu nhập là cổ tức từ việc đầu tư vốn để sở hữu, nắm giữ cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư thì nhà đầu tư là tổ chức khi nhận được thu nhập là cổ tức thì cũng được miễn thuế theo quy định tại Điều 4 của Luật Thuế TNDN cổ tức DN nhận được hạch toán vào tài khoản thu nhập, nhưng không phải nộp thuế TNDN. Đối với chứng khoán là trái phiếu chính phủ thì có thể được miễn thuế TNDN tùy theo quy định của mỗi đợt phát hành, việc miễn thuế (nếu có) sẽ được công bố ngay trong quyết định hoặc thông báo phát hành.

Đối với nhà đầu tư chứng khoán là cá nhân: Theo quy định của Luật Thuế TNCN số 04/2007/QH12 thì nhà đầu tư chứng khoán là cá nhân sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế TNCN kể từ ngày 01/01/2009. Tuy nhiên, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN và nhân dân, tạo điều kiện thúc đẩy TTCK và duy trì tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy đầu tư, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 32/2009/QH12 ngày 19/6/2009, trong đó quy định miễn toàn bộ thuế TNCN đối với thu nhập về đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn của cá nhân trong năm 2009.

Tiếp đó, Nghị quyết số 08/2011/NQ-QH13 ngày 06/08/2011 của Quốc hội quy định miễn thuế từ 1/8/2011 đến hết 31/12/2012 đối với cổ tức được chia cho cá nhân từ hoạt động đầu tư vào TTCK, góp vốn mua cổ phần của DN, trừ cổ tức của các ngân hàng cổ phần, quỹ đầu tư tài chính, tổ chức tín dụng.

Nghĩa vụ thuế đối với hành vi của nhà đầu tư cá nhân: Hoạt động mua bán chứng khoán: Với cách tiếp cận xếp chuyển nhượng chứng khoán vào diện chuyển nhượng vốn, Luật Thuế TNCN quy định cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán sẽ nộp thuế trên thu nhập ròng với thuế suất 20%. Thu nhập để tính thuế không phải toàn bộ số tiền thu được, mà chỉ tính trên khoản tiền thực lãi do chuyển nhượng phần vốn trong các công ty TNHH, chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần, tiền lãi do mua bán chứng khoán.

Nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và đầu tư dài hạn, Luật thuế TNCN quy định cá nhân chuyển nhượng chứng khoán được lựa chọn 1 trong 2 cách nộp thuế: nộp 20% trên thực lãi đã được bù trừ lỗ trong năm, nếu lỗ thì không phải nộp thuế, được chuyển lỗ trong thời hạn 5 năm và được hoàn lại số thuế đã tạm khấu trừ 0,1% hoặc nộp 0,1% trên giá chuyển nhượng.

Từ tháng 8/2011 đến hết năm 2012, Nghị quyết 08/2011/QH13 của Quốc hội có quy định giảm 50% thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của các nhân. Theo đó, nếu cá nhân mua bán chứng khoán đăng ký nộp thuế theo kê khai mà có lãi thì chỉ phải nộp 10% trên thực lãi, có lỗ thì không phải nộp và được chuyển lỗ sang các năm sau. Những cá nhân không đăng ký thì phải nộp 0,05% trên giá trị giao dịch mỗi lần chuyển nhượng.

Thực tế trong thời gian qua cho thấy, có sự nhầm lẫn rất lớn trong xác định nghĩa vụ thuế TNCN đối với việc chuyển nhượng cổ phần của các công ty không đủ tiêu chuẩn là công ty đại chúng, chưa được niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK. Vấn đề ở chỗ: cổ phần của các DN thuộc loại này (không thuộc công ty đại chúng) chưa phải là chứng khoán theo quy định của Luật Chứng khoán hiện hành, khi đó cổ đông là cá nhân chuyển nhượng cổ phần được xếp vào diện chuyển nhượng vốn. DN có cổ phần chuyển nhượng sẽ phải thực hiện khấu trừ thuế 20% trên phần chênh lệch giữa giá vốn và giá bán (nếu có) trước khi làm thủ tục chuyển tên đăng ký cho người mua.

Hoạt động đầu tư mua cổ phần với kỳ vọng nhận cổ tức: Theo quy định tại Điều 3, Điều 4, Luật Thuế TNCN thì thu nhập của cá nhân từ hoạt động đầu tư vốn dưới dạng lãi tiền vay, lợi tức cổ phần, thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác thuộc diện chịu thuế. Riêng khoản lãi tiền gửi tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, lãi thu được từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được miễn thuế.

Lần đầu tiên áp dụng thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn, Luật Thuế TNCN chưa đặt ra mục tiêu điều tiết thu nhập mà chủ yếu nhằm tạo dần thói quen. Vì vậy, quy định thu thuế đối với thu nhập này rất đơn giản, áp dụng mức thuế suất thấp 5% tính trên số tiền lãi cho vay thu được hoặc cổ tức nhận được theo Biểu thuế suất toàn phần quy định tại Điều 23, Luật Thuế TNCN. Việc khấu trừ thuế 5% được thực hiện tại DN phát hành trước khi chuyển tiền trả cổ tức cho cá nhân, kể cả trường hợp ủy thác cho CTCK quản lý danh sách cổ đông, ủy thác việc trả cổ tức cho cổ đông cá nhân.

Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình soạn thảo, trình ban hành Luật Thuế TNCN về việc có trùng thuế hay không (trên cả khía cạnh kinh tế và pháp lý), nhưng thực tế có nhiều nước áp dụng việc thu thuế đối với cổ tức với thuế suất không nhỏ, có nước thu đến 20%. Quốc hội của chúng ta không phải không có lý khi thảo luận và nhất trí thông qua việc thu thuế 5% đối với cổ tức của cá nhân. Trong thực tiễn điều hành, khi nền kinh tế gặp khó khăn, Quốc hội đã có sự quan tâm đến các nhà đầu tư bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh qua việc mua và nắm giữ cổ phần.

Tiếp theo việc miễn thuế năm 2009 theo Nghị quyết số 32/2009 ngày 06/8/2011, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 08/2011/QH13, trong đó, có quy định miễn thuế TNCN từ ngày 01/8/2011 đến hết ngày 31/12/2012 đối với cổ tức được chia từ hoạt động đầu tư vào TTCK, góp vốn mua cổ phần của DN (trừ cổ tức được chia từ các ngân hàng cổ phần, quỹ đầu tư tài chính, tổ chức tín dụng).

Nghĩa vụ thuế của người kinh doanh dịch vụ chứng khoán: Thuế giá trị gia tăng (GTGT): Theo Luật Chứng khoán và các luật, Pháp lệnh thuế hiện hành thì hoạt động kinh doanh chứng khoán bao gồm môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, dịch vụ tổ chức thị trường của các sở hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán, các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Dịch vụ tổ chức thị trường của các Sở hoặc Trung tâm giao dịch, lưu ký chứng khoán bao gồm: chấp thuận niêm yết, quản lý niêm yết, quản lý giao dịch, quản lý thành viên giao dịch, cung cấp thông tin liên quan tới công tác quản lý niêm yết, quản lý giao dịch và các dịch vụ liên quan khác.

Các hoạt động kinh doanh chứng khoán trên thuộc diện điều chỉnh của Luật Thuế GTGT và hiện nay đang được miễn trừ nghĩa vụ nộp thuế GTGT theo quy định tại Thông tư số 06/2012/TT-TBC ngày 11/01/2012 của Bộ Tài chính.

Thuế thu nhập: Như phạm vi của hoạt động kinh doanh chứng khoán nêu trên thì những người tham gia cung cấp dịch vụ trên TTCK với tư cách là tổ chức, là DN đăng ký theo hoạt động của Luật DN có nghĩa vụ phải trả thuế TNDN theo quy định pháp luật hiện hành.

Đối với các nhân kinh doanh, về lý thuyết thì những người tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ là cá nhân hành nghề độc lập, nếu có thu nhập từ hoạt động kinh doanh này như tư vấn đầu tư thì trước hết sẽ bù đắp chi phí đã bỏ ra. Phần chênh lệch giữa doanh thu và chi phí sẽ là thu nhập chịu thuế TNCN sau khi đã áp dụng các mức giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân, các khoản giảm trừ cho mục đích từ thiện, nhân đạo, số còn lại mới là thu nhập để tính nộp thuế TNCN theo Biểu thuế luỹ tiến từng phần theo quy định của Luật thuế TNCN. Tuy nhiên, với khuôn khổ pháp luật hiện hành thì rất khó có những cá nhân tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ phục vụ cho kinh doanh chứng khoán nêu tại điểm này.

>> Kỳ sau: “Thuế chuyển nhượng chứng khoán hay phần vốn doanh nghiệp – Thực tiễn và quy định pháp luật”

(Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính)

Nguồn eFinance

Exit mobile version