Thuế TNCN đối với lao động nước ngoài

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Friday 17/11/2017 - 20626 lượt xem.

Thời gian gần đây ngành thuế đã có những công văn hướng dẫn rất cụ thể, rõ ràng về thuế TNCN liên quan đến lao động nước ngoài, giải đáp nhiều vướng mắc từ các doanh nghiệp.

Cùng Webketoan điểm qua những công văn quan trọng nhé:

1/ Khoản học phí cho con riêng của Người lao động nước ngoài có chịu thuế TNCN?

Theo Công văn 4964/TCT-TNCN, Doanh nghiệp có chi trả khoản học phí cho con riêng của vợ trưởng văn phòng đại diện (là người nước ngoài) thì khoản học phí trên là thu nhập không chịu thuế TNCN.

2/ Cử đi đào tạo nước ngoài có chịu thuế tại Việt Nam?

Theo Công văn 4936/TCT-TNCN, , trường hợp cá nhân là người Việt Nam được Công ty cử đi thực tập, đào tạo tay nghề tại nước ngoài, cá nhân đó có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế thì cá nhân được lựa chọn việc xác định tình trạng cư trú của cá nhân tại Việt Nam như sau:

– Nếu cá nhân chứng minh là đối tượng cư trú tại nước ngoài theo quy định của nước ngoài thì cá nhân được xác định là không cư trú tại Việt Nam và kê khai thu nhập chịu thuế TNCN phát sinh tại Việt Nam theo thuế suất toàn phần. Các khoản thu nhập phát sinh tại Việt Nam nếu Công ty đã khấu trừ và khai thuế TNCN theo Biểu thuế lũy tiến từng phần thì điều chỉnh lại theo thuế suất áp dụng đối với cá nhân không cư trú.

– Nếu cá nhân không chứng minh là đối tượng cư trú tại nước ngoài theo quy định của nước ngoài thì cá nhân được xác định là cư trú tại Việt Nam. Cá nhân có trách nhiệm kê khai thu nhập phát sinh tại Việt Nam và thu nhập phát sinh ngoài lãnh thổ Việt Nam (nếu có) theo Biểu thuế lũy tiến từng phần.
3/ Tiền thuê nhà của Người lao động nước ngoài

Theo Công văn 4636/TCT-TNCN, trường hợp cá nhân người nước ngoài là cá nhân cư trú theo Luật Thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam được đơn vị sử dụng lao động trả hộ khoản tiền thuê nhà thì khoản tiền thuê nhà này tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân theo số thực tế trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài Việt Nam (chưa bao gồm tiền thuê nhà).

4/ Chính sách thuế TNCN dựa theo cá nhân cư trú hay không cư trú

Theo Công văn 68151/CT-TTHT, Công ty căn cứ vào hướng dẫn tại Điều 1 Thông tư số 111/2013/TT-BTC và đối chiếu với thực tế để xác định trong năm 2017 chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam thực hiện hợp đồng lao động là cá nhân cư trú hay cá nhân không cư trú:

– Trường hợp chuyên gia nước ngoài là cá nhân không cư trú thì Công ty khấu trừ thuế TNCN theo mức 20% đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công trước khi trả cá nhân (bao gồm cả khoản lương hiệu quả trả sau khi kết thúc hợp đồng lao động). Cá nhân không cư trú không phải khai quyết toán thuế. Trường hợp Công ty đã tạm khấu trừ theo biểu lũy tiến từng phần, nay xác định lại là cá nhân không cư trú thì kê khai bổ sung thay thế tờ khai thuế TNCN đã nộp theo hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư số 156/2013/TT-BTC.

– Trường hợp chuyên gia nước ngoài là cá nhân cư trú, Công ty khấu trừ theo biểu lũy tiến khi trả thu nhập cho cá nhân theo hướng dẫn tại Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC. Cá nhân cư trú là người nước ngoài kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam phải khai quyết toán trước khi xuất cảnh.
+ Trường hợp cá nhân chưa làm thủ tục quyết toán khi xuất cảnh và ủy quyền cho Công ty thì Công ty quyết toán thuế TNCN thay cho cá nhân trong vòng 45 ngày kể từ ngày cá nhân xuất cảnh.
+ Trường hợp sau khi cá nhân đã quyết toán thuế TNCN và xuất cảnh không còn là cá nhân cư trú theo Luật thuế TNCN, Công ty phát sinh chi trả khoản thu nhập lương hiệu quả cho cá nhân thì Công ty thực hiện khấu trừ theo mức 20% trên thu nhập trước khi chi trả cho cá nhân.

5/ Hồ sơ chứng minh NPT đối với lao động nước ngoài

Theo Công văn 67546/CT-TTHT, trường hợp chuyên gia nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp thì hồ sơ thực hiện theo hướng dẫn tại Tiết g.3 Điểm g Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC nêu trên hoặc có các tài liệu pháp lý tương tự để làm căn cứ chứng minh người phụ thuộc (ví dụ: sử dụng bản chụp hộ chiếu để thay bản chụp chứng minh nhân dân…).

Nếu cha mẹ của người nộp thuế trong độ tuổi lao động, thì ngoài các giấy tờ nêu tại Tiết g.3 Điểm g Điều 9, hồ sơ chứng minh cần có thêm giấy tờ chứng minh là người khuyết tật, không có khả năng lao động như bản chụp Giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật, đối với người khuyết tật không có khả năng lao động, bản chụp hồ sơ bệnh án đối với người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,…).

Người nộp thuế phải cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc người phụ thuộc không có thu nhập hoặc thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.

6/ Phụ cấp công tác nước ngoài có được miễn thuế?

Theo Công văn 9205/CT-TTHT, trường hợp Công ty là Văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài theo trình bày có chi cho người lao động khi đi công tác tại nước ngoài khoản tiền phụ cấp công tác phí(phát sinh khi bay chuyến bay liên lục địa, mua vé hạng tiết kiệm, bay trên 6 tiếng), nếu khoản phụ cấp này thuộc quy chế của Văn phòng đại diện khi đi công tác tại nước ngoài thì không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.

7/ Trả thù lao cho chuyên gia nước ngoài, chịu thuế TNCN như thế nào?

Theo Công văn 8922/CT-TTHT, trường hợp công ty ký hợp đồng dịch vụ với chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam để thực hiện buổi chia sẽ thông tin và cập nhật kiến thức khoa học mới, là cá nhân không cư trú tại Việt Nam thì khi thanh toán tiền thù lao cho chuyên gia người nước ngoài (kể cả trong trường hợp chi trả cho chuyên gia thông qua tổ chức nước ngoài làm đại diện nhận tiền thù lao, tổ chức nước ngoài không nhận thêm bất kỳ phí phát sinh), Công ty có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN theo mức 20% trên tổng mức chi trả theo quy định.