Hiện nay, lợi suất trái phiếu chính phủ đang ở mức rất thấp. Trong lịch sử, các chính phủ không thể đi vay trong vòng 10 năm với lãi suất chỉ ở mức 1,8% như những gì mà kho bạc Mỹ đang làm ở thời điểm hiện tại.
Trong 1 cuộc hội thảo gần đây, Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) đã cho rằng hiện tượng này xảy ra là do nhu cầu về tài sản an toàn ngày càng tăng lên và trái phiếu chính là một trong những tài sản an toàn nhất.
Theo BIS, sau cuộc khủng hoảng tài chính cuối những năm 1990, các NHTW châu Á ồ ạt tăng lượng dự trữ ngoại hối quốc gia, đẩy lợi suất trái phiếu xuống thấp. Chính mức lợi suất thấp đã tạo nên nhu cầu tìm kiếm các tài sản an toàn thay thế. Trong bối cảnh đó, ngành tài chính lại tạo ra những sản phẩm “tưởng chừng như an toàn”, những sản phẩm có liên quan đến nợ dưới chuẩn. Tuy nhiên, khủng hoảng nợ nổ ra cũng là lúc nhà đầu tư nhận ra rằng những tài sản này không hề an toàn. Do đó, họ lại ồ ạt đổ tiền vào trái phiếu được phát hành bởi các chính phủ vốn là loại tài sản thực sự an toàn.
Một trong những cách hữu hiệu để điều chỉnh thâm hụt ngân sách trong thời kỳ kinh tế suy giảm chính là liệu pháp kích cầu giống như những gì nhà kinh tế học Keynes đã đề cập. Mặc dù vậy, trong cuộc khủng hoảng hiện nay, cũng có thể lập luận rằng các gói kích thích kinh tế được các chính phủ thực hiện với mục tiêu đơn thuần là đáp ứng nhu cầu về tài sản an toàn của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, tại sao các NHTW lại phải đáp ứng nhu cầu bằng cách thực hiện nới lỏng định lượng? BIS trả lời câu hỏi này bằng nỗi sợ hãi mang tính tự nhiên của nhà đầu tư. Họ lo lắng về khả năng trả nợ của các chính phủ trong dài hạn. Giống như những gì đã diễn ra ở Hy Lạp và Bồ Đào Nha, lợi suất trái phiếu tăng lên không chỉ làm tổn hại đến toàn bộ nền kinh tế mà còn tác động tiêu cực đến triển vọng tài chính của các chính phủ.
Khi các NHTW đứng ra hành động, các khoản nợ của chính phủ cũng được giữ ổn định do tránh được các cú sốc tiêu cực như lãi suất tăng hay vòng tròn luẩn quẩn lãi suất tăng, nợ tăng và những dự đoán bi quan.
Dẫu vậy, nới lỏng định lượng không phải là 1 chính sách hoàn toàn ưu việt, thậm chí có thể coi đây là 1 canh bạc: mạo hiểm để cho tỷ lệ lạm phát tăng lên để có thể ngăn chặn kinh tế sụp đổ.
Quay trở lại với vấn đề tài sản an toàn, trước hết, thế nào là tài sản an toàn? Đó là loại tài sản có thể giữ vững sức mua của nhà đầu tư? Vậy thì, trái phiếu chính phủ có thể đáp ứng điều kiện này không? Rất tiếc, câu trả lời là không. Lịch sử đã chứng kiến nhiều lần các chính phủ sụp đổ. Trên thực tế, đến năm 1981, giá trị trái phiếu kho bạc Mỹ được nhà đầu tư mua từ năm 1947 đã suy giảm tới 90%. Kể cả khi nhà đầu tư lựa chọn trái phiếu được điều chỉnh theo lạm phát, họ vẫn phải đối mặt với rủi ro khi chính phủ điều chỉnh lại tỷ lệ lạm phát.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ các chính phủ có thể tự coi các khoản nợ của họ là an toàn. Đây là quyền lực thậm chí còn lớn hơn các chính sách thuế vốn bị hạn chế bởi chính trị và dòng chảy tự do của dòng vốn và lực lượng lao động. Điều này tạo ra vòng luẩn quẩn giữa chính phủ – NHTW – ngân hàng thương mại trong đó tiền tệ được tư do lưu chuyển giữa rất nhiều bên.
Hệ thống này có bền vững hay không? BIS cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên đưa ra các qui định rõ ràng hơn về tài sản an toàn và có cơ chế đảm bảo các tài sản này thực sự an toàn.
Tuy nhiên, chặng đường phía trước còn rất nhiều chông gai. Dường như, hệ thống tài chính thế giới đang gặp phải 1 nghịch lý tương tự như thời kỳ những năm 1960. Khi đó, thế giới cần tới 1 đồng tiền có đủ quyền năng như đồng USD. Tuy nhiên, khi nguồn cung USD tăng lên, niềm tin của nhà đầu tư đối với đồng bạc xanh lại giảm xuống. Chính nghịch lý này là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods. Hiện nay, thế giới đang ở trong “cơn say” trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, khi lượng trái phiếu tăng lên, tài sản này sẽ không còn được coi là an toàn như trước nữa.
Thu Hương
Theo TTVN/Economist