Trưởng đại diện ACCA Việt Nam: “Tôi tự hào về sự thành công của các hội viên ACCA”

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Wednesday 08/10/2014 - 8048 lượt xem.

Tác giả: Bảo Vinh

Trở thành một chuyên gia tài chính kế toán giỏi luôn là một thách thức hấp dẫn đối với các sinh viên ở ngưỡng cửa lựa chọn con đường nghề nghiệp để phát triển. Tuy nhiên, cùng với sự mở cửa của thị trường lao động, đặc biệt là thời điểm Việt Nam gia nhập cộng đồng lao động ASEAN vào năm 2015 đang đến gần thì thách thức đặt ra cho lao động Việt Nam trong lĩnh vực này càng trở nên cấp thiết. Điểm qua các công ty “tên tuổi” trong nhiều lĩnh vực, có rất nhiều vị trí chủ chốt như Giám Đốc điều hành, Giám Đốc tài chính…hiện vẫn đang được nắm giữ bởi những nhân sự nước ngoài. Họ đều có điểm chung là trình độ chuyên môn tốt, khả năng giao tiếp ngoại ngữ lưu loát và bề dày kinh nghiệm làm việc trong các tập đoàn đa quốc gia. Vậy lao động Việt Nam nên chuẩn bị những gì để có thể giành lại những “lợi thế cạnh tranh” ngay trên “sân nhà”?

NCĐT đã có cuộc trò chuyện với Bà Lê Thị Hồng Len, Trưởng Đại diện ACCA tại Việt Nam, xung quanh vấn đề này.

ACCA đã có mặt ở Việt Nam cách đây 12 năm, điểm lại chặng đường này, điều gì làm bà cảm thấy tự hào nhất?

Thời điểm đó, ở Việt Nam có rất ít người biết về khái niệm kế toán chuyên nghiệp. Từ khi thành lập, ACCA đã và đang liên tục đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự cần thiết của các chuyên gia kế toán quốc tế và vai trò của họ trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp.

21407_34

Bà Lê Thị Hồng Len, Trưởng Đại diện ACCA tại Việt Nam

Những ngày đầu, chúng tôi chỉ có trung tâm đào tạo ở TP.HCM, rất nhiều bạn đã phải bay từ Hà Nội vào TP.HCM để tham dự các lớp học ACCA. Hiện những người trong nhóm “tiên phong” này đã và đang nắm giữ những vị trí hết sức quan trọng trong các tổ chức khác nhau. Nhiều người trong số họ cũng đã chọn con đường tự kinh doanh, mở công ty riêng trong lĩnh vực tư vấn, kế toán kiểm toán, thuế… và hiện rất thành công. Một điều đặc biệt nữa là dù làm việc ở các công ty khác nhau, các khóa học ACCA đã gắn kết họ lại, giúp họ không chỉ trở thành bạn bè, mà còn là đối tác của nhau và giúp nhau phát triển công việc kinh doanh.

Điều làm tôi tự hào nhất, không phải nằm ở con số hội viên và học viên của ACCA ở Việt Nam – dù rằng con số gần 700 hội viên và 7.800 học viên sau 12 năm hoạt động là một điều rất đáng tự hào. Tôi tự hào vì các hội viên ACCA đã và đang rất thành công trong lĩnh vực của họ. Bên cạnh đó, việc trở thành hội viên giúp họ có cơ hội tham gia cộng đồng chuyên gia kế toán kiểm toán tài chính lớn nhất của Việt Nam và rất nhiều cơ hội kinh doanh đã đến với họ từ những mối quan hệ này.

Ngoài ra, sự ghi nhận của các doanh nghiệp về chất lượng của các hội viên ACCA là điều khiến tôi cũng như các đồng nghiệp cảm thấy vui vì nỗ lực của chúng tôi đã có kết quả.

ACCA được cho là “chỉ dành cho các chuyên gia kiểm toán”. Bà nghĩ gì về điều này?

Lúc mọi người còn chưa có khái niệm gì nhiều về kế toán viên chuyên nghiệp, thì các công ty kiểm toán quốc tế, với kinh nghiệm hoạt động lâu năm, đã biết rõ một điều rằng chất lượng nhân sự chính là sự đảm bảo cho chất lượng dịch vụ, là chìa khóa cho sự thành công của doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Họ buộc nhân viên phải học để trở thành một chuyên gia được “qualified”. Tôi còn nhớ một chị phó tổng giám đốc một công ty kiểm toán lớn kể với tôi, rằng việc đi học ACCA tại thời điểm đó không phải là do nguyện vọng cá nhân mà do sếp chị bắt buộc chị và đồng nghiệp đi học. Đó là lý do tại sao mọi người thường gắn kết ACCA với công việc của kiểm toán viên.

Trên thực tế, chương trình ACCA được xây dựng với các môn học và thi bao quát hầu như tất cả các lĩnh vực mà một chuyên gia tài chính kế toán cần phải nắm, bao gồm cả kỹ năng quản trị lẫn kiến thức chuyên môn trong các lĩnh vực: kế toán tài chính, kế toán quản trị, báo cáo tài chính, kỹ năng lãnh đạo, lập chiến lược & quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, luật, thuế và các dịch vụ bảo đảm… Chính vì thế học viên sau khi hoàn tất chương trình có thể đảm nhiệm rất nhiều vị trí và công việc khác nhau trong các tổ chức.

Trong số gần 170.000 hội viên ACCA trên toàn cầu, chỉ có khoảng 28% đang làm việc cho các công ty kiểm toán, 11% làm việc cho các tổ chức chính phủ và 61% đang giữ những vị trí khác nhau ở các tập đoàn trong nhiều lĩnh vực. Do đó, quan niệm ACCA chỉ dành cho kiểm toán viên đã lỗi thời.

Bà có thể mô tả một cách ngắn gọn nhất hình ảnh các chuyên gia tài chính kế toán chuyên nghiệp của ACCA?

Trình độ chuyên môn đẳng cấp quốc tế và luôn tuân thủ đạo đức nghề nghiệp.

Đạo đức nghề nghiệp là một phần bắt buộc cho tất cả học viên muốn trở thành hội viên của Hiệp hội. Các tình huống trong bài kiểm tra đạo đức nghề nghiệp này rất sát với thực tế và sẽ là “cẩm nang” giá trị cho các hội viên khi gặp tình huống cụ thể trong công việc, giúp họ biết xử lý một cách hợp lý và đúng đắn nhất.

Điều bà tâm đắc nhất về ACCA là gì?

Một trong những điều tôi tâm đắc nhất, cũng là giá trị cốt lõi của ACCA, đó là mang lại cơ hội công bằng cho tất cả mọi người, không phân biệt màu da, quốc tịch, xuất thân… miễn là cá nhân đó có tham vọng và mong muốn được thành công trong lĩnh vực này.

Bà đánh giá như thế nào về chất lượng hội viên ACCA ở Việt Nam?

Tại ACCA, chúng tôi luôn đảm bảo chất lượng của hội viên là như nhau ở bất cứ quốc gia nào. Các bạn học và làm bài thi bằng tiếng Anh như nhau, bài thi tại Việt Nam được niêm phong và gửi về chấm tại London. Các chuyên gia khi chấm chỉ căn cứ vào câu hỏi và đáp án, không căn cứ việc bạn đến từ quốc gia nào. Do đó, hội viên tốt nghiệp ở Việt Nam sẽ tự tin làm việc ở nước khác với kỹ năng và kiến thức chuyên môn không hề thua kém.

ACCA có những ưu thế gì so với các chương trình đào tạo khác tại Việt Nam?

Ngoài việc luôn đảm bảo chương trình được thiết kế sâu sát để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, chúng tôi cũng đã nỗ lực đưa vào chương trình sự lựa chọn học môn Luật Doanh Nghiệp và môn Thuế của Việt Nam, nhằm giúp các học viên tại Việt Nam có thể áp dụng ngay vào công việc mà không mất thời gian chuyển đổi. Điều này đòi hỏi một sự đầu tư rất lớn về mặt công sức và thời gian. Trong số các chương trình quốc tế tương đương, hiện chỉ có ACCA làm được điều này. Các hội viên ACCA đã học qua môn Luật & Thuế Việt Nam còn được miễn phần thi tương ứng khi tham dự kỳ thi chuyển đổi lấy chứng chỉ CPA Việt Nam dành cho kiểm toán viên. Đây cũng là một phần nội dung nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa ACCA và Bộ Tài chính.

Ngoài ra, học viên ACCA còn có cơ hội nhận được bằng cử nhân Kế toán Ứng dụng của Đại học Oxford Brooks (Anh) khi học hết cấp độ cơ bản của chương trình ACCA và làm bài luận khoảng 9.500 từ. Trường Oxford Brooks sẽ căn cứ vào điểm thi các môn cấp độ cơ bản của ACCA và chất lượng bài luận để đánh giá kết quả và xét cấp bằng cho các bạn. Theo tôi, đây là một ưu điểm mà nhiều sinh viên Việt Nam chưa biết nắm bắt. Hàng năm, các nước như Malaysia, Singapore… có hàng trăm bạn trẻ nhận bằng cử nhân theo chương trình này thì Việt Nam con số này còn rất ít. Có thể vì bài luận tiếng Anh đã làm các em ngần ngại, nhưng theo các học viên tốt nghiệp ở các nước thì chương trình 2 trong 1 này giúp họ tiết kiệm đến một nửa thời gian, họ vừa có được bằng cử nhân Oxford Brooks, vừa đạt được chứng chỉ nghề nghiệp kế toán tài chính quốc tế.

Bà vừa đề cập đến sự hợp tác giữa ACCA và Bộ Tài Chính Việt Nam, bà có thể chia sẻ thêm về việc này?

Là một tổ chức nghề nghiệp, ACCA luôn đề cao mục tiêu phát triển nghành nghề, nâng cao năng lực tại các quốc gia mà chúng tôi hiện diện. Tại Việt Nam, ngoài biên bản hợp tác với Bộ Tài chính mà tôi vừa đề cập ở trên, chúng tôi còn hợp tác chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước, các hội nghề nghiệp địa phương và các trường đại học. Hiện các chuyên gia ACCA tham gia với vai trò tư vấn quốc tế cho hai dự án được Ngân hàng Thế giới tài trợ, một về xây dựng và tăng cường năng lực cho Hội Kiểm toán viên hành nghề và một về xây dựng khung pháp lý đối với việc kiểm soát chất lượng các công ty cung cấp dịch vụ kế toán kiểm toán cho Bộ Tài chính.

Bà còn trăn trở điều gì về ACCA tại Việt Nam không?

Có chứ. Điều tôi trăn trở là số lượng 700 hội viên ACCA tại Việt Nam chưa đủ để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Chúng tôi nhận được rất nhiều yêu cầu hỗ trợ tuyển dụng của các công ty nhưng đôi khi không thể đáp ứng hết. So với chính bản thân ACCA tại Việt Nam 10 năm về trước thì chúng tôi có thể tự hào về thành quả này, nhưng so với các nước trong khu vực thì con số này vẫn còn quá khiêm tốn. Trong khi Singapore có gần 8.000, Malaysia có 11.000, Hồng Kông có 18.000 hội viên thì con số 700 của Việt Nam vẫn làm tôi và các cộng sự của mình trăn trở. Khi đi gặp đối tác, gặp nhiều chuyên gia nước ngoài hiện đang làm việc tại Việt Nam ở các vị trí chủ chốt, tôi thấy tiềm năng phát triển của ACCA còn rất lớn, và mong mỏi một điều trong tương lai không xa, những nhân sự cao cấp của Việt Nam sẽ không chỉ nắm giữ các vai trò cốt cán trong các doanh nghiệp tại Việt Nam, mà còn ở tầm khu vực và quốc tế. 

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện thú vị này!

Theo báo NCĐT