Từ 01/01/2018, phạt tù đến 3 năm nếu tự ý sa thải người lao động kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Wednesday 26/07/2017 - 5623 lượt xem.

Luật lao động 2012 luôn có những điều luật ưu tiên cho lao động nữ trong đó có yêu cầu người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động (điều 155, Bộ luật lao động 2012).

                                         Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Tuy nhiên, thực tế thì vẫn còn khá nhiều lao động nữ rơi vào khó khăn vì doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi biết người lao động đang mang thai, hoặc khi người lao động nghỉ thai sản.

Kể từ ngày 01/01/2018, Bộ luật hình sự 2015 Luật sửa đổi 2017 đã có chế tài phạt nặng đối với việc vi phạm quy định trên, cụ thể như sau:

Khoản 32 Điều 1 Luật sửa đổi số 12/2017/QH14 (Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 162 Bộ luật hình sự 2015)

“1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức;

b) Sa thải trái pháp luật đối với người lao động;

c) Cưỡng ép, đe dọa buộc công chức, viên chức, người lao động phải thôi việc

……..

“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

c) Đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

d) Làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.”

Nguồn tham khảo: Thư viện pháp luật