Webketoan – Trang tin Tài chính – Kế toán – Thuế

Từ bỏ đa ngành: DN lo giữ người, giữ tiền

 

(VEF.VN) – Vay vốn nhiều, mở rộng đầu tư đa ngành, nay nhiều doanh nghiệp (DN) đã phải ôm sầu. Sau cơn khủng hoảng, các DN đã tìm về lĩnh vực kinh doanh chính của mình và tập trung vào các vấn đề cốt lõi là đào tạo nhân lực, tăng cường quản trị.

Từ bỏ BĐS, chứng khoán

Theo bà Đào Thị Thiên Hương, Phó Giám đốc Dịch vụ tư vấn PWC Việt Nam, giai đoạn 2004 – 2008, BĐS trở thành thị trường béo bở, hầu hết các công ty, ngành nghề khác nhau đều bị cuốn vào kinh doanh BĐS.

Tiếp đến 2006-2007, thị trường chứng khoán tăng nóng đã làm cho mảng kinh doanh chứng khoán trở nên vô cùng hấp dẫn. Hầu hết các DN đều bị cuốn vào vòng xoáy thành lập DN mới tham gia góp vốn cổ phần với hy vọng sau đó sẽ bán các cổ phần này với giá cao thu lợi lớn.

Điều này đã dẫn đến tình trạng hầu hết các DN đầu tư chồng chéo, các công ty nhà nước đầu tư dàn trải vào các mảng không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính. Do đầu tư quá dàn trải, chạy theo các mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn nên mất cân đối tài chính nghiêm trọng, bởi nguồn vốn có hạn nhưng lại đầu tư vào nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau.

"Tiền lúc này chủ yếu để dùng thành lập DN mới chứ không đủ để hỗ trợ sự phát triển của DN. Không những thế, nhiều DN còn sử dụng các nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn", bà Hương nói.

Bên cạnh đó là hiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng. Nguồn nhân sự cao cấp vốn đã ít ỏi lại bị dàn trải vào nhiều lĩnh vực, mỗi nhân sự quản lý đều nắm giữ nhiều vị trí tại nhiều công ty ở các lĩnh vực khác nhau. Các nhân sự quản lý không có đủ thời gian và kinh nghiệm cũng như chuyên môn để quản lý tốt công việc rất đa dạng.

Kết quả là không kiểm soát được hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận của các công ty ngày càng giảm và thua lỗ.

Theo các chuyên gia, hầu hết các DN Việt Nam thời gian qua đều đua nhau đầu tư đa ngành. DN nào cũng tự hào với cả chục lĩnh vực kinh doanh, trải dài từ bất động sản đến chứng khoán, xe máy, cao su, thủy điện, ngân hàng, vận tải và cả giáo dục…

Thậm chí, nhiều DN cho rằng càng đầu tư vào nhiều lĩnh vực càng chứng tỏ sự năng động, tiềm lực mạnh, khiến mọi người nể phục. Điện lực thì đầu tư vào xi măng, ngân hàng, viễn thông, resort; công nghiệp tàu thủy đầu tư cả vào trồng thanh long, cảng biển, nhiệt điện, thép, xe máy, vận tải…

Ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư Việt Nam Capital Partners nhận định, DN "chết" vì đầu tư đa ngành. Nhất là những công ty lớn đầu tư mạnh vào ngân hàng, công ty chứng khoán và bất động sản. Nhiều công ty chứng khoán sẽ phải đóng cửa trong 2 năm nữa và chỉ số ít công ty tồn tại lâu dài.

Trước năm 2011, một loạt các DN đầu tư mạnh sang lĩnh vực bất động sản mặc dù họ chưa hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Tất cả đều dựa trên cùng một giả định bối cảnh lạc quan đó là, thị trường bất động sản sẽ tăng trưởng cao trong dài hạn.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011 – 2012, việc lạm phát tăng cao và Chính phủ áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ đã khiến thị trường này đóng băng và suy giảm mạnh, dẫn đến một loạt công ty bất động sản rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn, phá sản.

Nền tảng phát triển bền vững

Theo ông Phạm Hồng Hải, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, trong khi mở rộng đầu tư đa ngành thì quản trị của các DN Việt Nam hết sức yếu kém. Trước tiên là đội ngũ nhân sự quản lý còn thiếu các kỹ kiến thức, kỹ năng. Bên cạnh đó, các DN chưa có hệ thống báo cáo quản trị tốt, hệ thống kiểm soát nội bộ thiếu chuẩn hóa, hay duy trì đồng thời nhiều hệ thống kế toán, báo cáo tài chính…

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright tại Việt Nam, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng đang là điểm yếu. Trong số gần 50 triệu người ở tuổi lao động hiện nay thì chỉ có khoảng 2% là có chứng chỉ hành nghề dài hạn. Còn riêng với lĩnh vực bất động sản, hiện cả nước vẫn chưa có được một hệ thống đào tạo bài bản như ở nhiều nước khác.

Kết quả điều tra hơn 63.000 doanh nghiệp trên cả nước thời gian vừa qua cho thấy: 43,3% lãnh đạo DN có trình độ học vấn dưới trung học phổ thông, số chủ doanh nghiệp có trình độ thạc sỹ trở lên chỉ chiếm 2,99%. Có thể nói, đa số các chủ DN và giám đốc DN tư nhân chưa được đào tạo một cách bài bản về kiến thức kinh doanh, kinh tế – xã hội, văn hóa, luật pháp… và kỹ năng quản trị kinh doanh, nhất là kỹ năng kinh doanh trong điều kiện hội nhập quốc tế. Điều đó được thể hiện rõ trong việc nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành tốt các quy định về thuế, quản lý nhân sự, quản lý tài chính, chất lượng hàng hóa, sở hữu công nghiệp…

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định: "Thị trường, bất động sản khó khăn như hiện nay là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do quản trị doanh nghiệp yếu kém". Việc xây dựng kế hoạch mà không hình dung được đầy đủ những gì sẽ diễn ra thể hiện năng lực quản trị yếu kém.

Bên cạnh đó, DN Việt Nam cũng đang bị "mất điểm" trong con mắt khách hàng và nhà đầu tư do thiếu minh bạch. Biểu hiện rõ ràng nhất là việc sử dụng 2 sổ kế toán tồn tại phổ biến trong các DN Việt Nam. Không ít các doanh nghiệp đã tiết lộ, khi cài phần mềm kế toán, thường yêu cầu cài thêm vào 1 máy khác để chạy phần kế toán nội bộ.

Thậm chí, theo ông Phạm Hồng Hải: "nhiều DN vẫn duy trì chế độ 2 sổ sách, một báo lỗ với cơ quan thuế để tránh nộp thuế, còn một báo lãi trong nội bộ. Điều này rất khó cho ngân hàng để cho vay hỗ trợ DN vì không biết số nào là thực, số nào là giả. Duy trì 2 sổ sách kế toán làm suy giảm lòng tin giữa ngân hàng và DN", ông Hải nói.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, trong thực tế kinh doanh ở Việt Nam, các doanh nghiệp hay sử dụng hai sổ sách, để trốn thuế…Tình trạng này dẫn đến hậu quả khi DN phá sản, nếu đệ đơn lên, tòa sẽ thụ lý và xem xét tất cả các hồ sơ, chứng từ có liên quan và rất có thể một vụ phá sản thuần túy dân sự có thể trở thành một vụ phá sản hình sự.

Vì vậy, nhiều doanh nhân rất e ngại khi phải đệ đơn xin phá sản thay vì được luật pháp bảo hộ, họ có thể dễ dàng bị truy cứu hình sự. Kết quả là trong nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại và hoạt động không ít những "xác chết biết đi". Đối với những chủ doanh nghiệp đã phá sản tiếp tục duy trì một doanh nghiệp không có tương lai là một bi kịch, thậm chí, có thể là một thảm kịch về tinh thần, tài chính.

Theo các chuyên gia kinh tế, để chữa lành "căn bệnh" này cho các DN Việt Nam, phương thức tốt nhất là phải tái cơ cấu lại. Các DN muốn phát triển sẽ phải làm một cuộc cải cách tổng thể từ chiến lược, cấu trúc, đến quy trình, công nghệ và con người. Không chấp nhận thay đổi, DN sẽ không thể tiếp tục tiến bước mà vấn đề đầu tiên là tập trung vào các vấn đề cốt lõi: quản trị và nhân lực.

(Nguồn: http://vef.vn)

Exit mobile version