Tỷ giá hối đoái là gì? Phân loại và công thức tính tỷ giá hối đoái

Đăng bởi: Chinh Nguyễn - Monday 26/06/2023 - 4096 lượt xem.

Tỷ giá hối đoái là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong hoạt động trao đổi tiền tệ và giao thương giữa các quốc gia. Cùng Webketoan tìm hiểu tỷ giá hối đoái là gì, cách phân loại, công thức tính và những yếu tố ảnh hưởng qua bài viết dưới đây.

Tỷ giá hối đoái là gì?

Tỷ giá hối đoái (Exchange Rate) hay còn được gọi là tỷ giá hoặc tỷ giá trao đổi ngoại tệ là giá trị đồng tiền của nước này được thể hiện bằng đồng tiền của nước khác. Chẳng hạn, tỷ giá hối đoái của EUR là 25.249 VND. Điều này có nghĩa 1 EUR có thể đổi được 25.249 VND.

 tỷ giá hối đoái là gì?

Phân loại tỷ giá hối đoái

Căn cứ vào giá trị tỷ giá

  • Tỷ giá hối đoái danh nghĩa: Đây là tỷ giá hiện tại của một loại tiền tệ khi không xét đến yếu tố lạm phát.
  • Tỷ giá hối đoái hoán thực: Đây là tỷ giá hiện tại của một loại tiền tệ khi có xét đến yếu tố lạm phát.

Căn cứ vào đối tượng xác định tỷ giá hối đoái

Có 2 cách phân loại tỷ giá hối đoái như sau:

  • Tỷ giá hối đoái chính thức: Được xác định và công bố bởi Ngân hàng Nhà nước. Dựa vào tỷ giá này, các đơn vị tín dụng hay ngân hàng thương mại sẽ có thể tính được tỷ giá mua vào, bán ra hoặc hoán đổi của một cặp đơn vị tiền tệ.
  • Tỷ giá hối đoái thị trường: Được xác định dựa vào mối quan hệ cung cầu của thị trường ngoại hối.

Căn cứ vào thời điểm giao dịch ngoại hối

  • Tỷ giá mua: Đây là tỷ giá mà ngân hàng chấp nhận mua ngoại hối.
  • Tỷ giá bán: Đây là tỷ giá mà ngân hàng đồng ý bán ngoại hối.

Thông thường, tỷ giá bán sẽ cao hơn tỷ giá mua nhằm đảm bảo lợi nhuận cho các ngân hàng.

Căn cứ vào cách chuyển ngoại hối

  • Tỷ giá điện hối: Đây là tỷ giá chuyển đổi bằng điện thường được niêm yết tại các ngân hàng và là cơ sở để có thể xác định các loại tỷ giá khác.
  • Tỷ giá thư hối: Đây là tỷ giá chuyển đổi bằng thư và có giá trị thấp hơn so với tỷ giá điện hối.

Căn cứ vào kỳ hạn thanh toán

  • Tỷ giá giao ngay: Đây là tỷ giá được niêm yết bởi các tổ chức tín dụng tại thời điểm giao ngay hoặc do 2 bên đưa ra thỏa thuận. Việc thanh toán cần được thực hiện trong vòng 2 ngày tính từ ngày cam kết.
  • Tỷ giá kỳ hạn: Đây là tỷ giá tự tính bởi các tổ chức tín dụng hoặc do 2 bên đưa ra thỏa thuận. Tuy nhiên, tỷ giá kỳ hạn cần đảm bảo nằm trong biên độ quy định về tỷ giá hối đoái kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước.

Công thức tính tỷ giá hối đoái

  • Công thức tính tỷ giá hối đoái giữa 02 đồng tiền định giá

Yết giá/định giá = (Yết giá/USD)/(Định giá/USD)

Ví dụ: VND/CNY = (VND/USD)/(CNY/USD) hay 23,530/7,13 = (23,530/1)/(7,13/1)

  • Công thức tính tỷ giá hối đoái giữa 02 đồng tiền yết giá

Yết giá/định giá = (USD/định giá)/(USD/yết giá)

Ví dụ: VND/CNY = (USD/CNY)/(USD/VND) hay 23,530/7,13 = (1/23,530)/(1/7,13)

  • Công thức tính tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền định giá và yết giá

Yết giá/định giá = (Yết giá/USD)x(USD/định giá)

Ví dụ: VND/CNY = (VND/USD)x(USD/CNY) hay 23,530/7,13 = (23,530/1)x(1/7,13)

Các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái

Yếu tố thương mại

Thương mại là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia. Tình trạng nhập khẩu vượt mặt xuất khẩu được gọi là thâm hụt thương mại, ngược lại, tình trạng xuất khẩu vượt mặt nhập khẩu được gọi là thặng dư thương mại.

Khi một quốc gia xuất hiện tinh trạng thặng dư thương mại sẽ làm tăng nhu cầu tiền tệ, do đó tỷ giá hối đoái tăng và ngược lại.

Yếu tố lạm phát

Lạm phát là tình trạng giá cả tăng cao một cách không ổn định trong thời gian dài dẫn đến suy giảm giá trị tiền tệ. Khi lạm phát tăng, đồng tiền mất giá, tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ giảm so với tỷ giá hối đoái của đồng ngoại tệ và ngược lại.

Yếu tố thu nhập của quốc gia

Thu nhập của quốc gia là tổng giá trị sản phẩm và dịch vụ mà quốc gia sản xuất trong một năm. Khi quốc gia có thu nhập cao sẽ dẫn đến nhu cầu tiền tệ tăng, do đó tỷ giá hối đoái tăng và ngược lại.

Yếu tố lãi suất

Lãi suất là khoản phí người vay tiền phải trả cho ngân hàng hoặc khoản phí ngân hàng phải trả cho người gửi tiền. Lãi suất cao sẽ hấp dẫn nhà đầu tư vào một quốc gia dẫn đến nhu cầu tiền tệ tăng, do đó tỷ giá hối đoái tăng và ngược lại.

Trên đây là những thông tin bổ ích về tỷ giá hối đoái mà Webketoan gửi đến bạn. Có thể nói, tỷ giá hối đoái có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và thị trường khi là công cụ so sánh sức mua giữa đồng nội tệ và đồng ngoại tệ. Bên cạnh đó, tỷ giá cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của quốc gia và tỷ lệ lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Tham khảo: yuanta.com.vn, DNSE