Webketoan – Trang tin Tài chính – Kế toán – Thuế

Vai trò của ngành Hoạch định TNCN tại Việt Nam

CHUYÊN ĐỀ I : TỔNG QUAN VỀ HOẠCH ĐỊNH TÀI CHÍNH CÁ NHÂN ( FINANCIAL PLANNING )

BÀI 2 : VAI TRÒ CỦA NGÀNH HOẠCH ĐỊNH TÀI CHÍNH CÁ NHÂN TẠI VIỆT NAM

Tại các nước có nền kinh tế – tài chính phát triển, dịch vụ Tư vấn Hoạch định Tài chính Cá nhân ( Financial Planning ) đã trở nên quen thuộc đối với các tầng lớp xã hội từ tầng lớp trung lưu cho đến giới doanh nhân giàu có. Có đến 33% dân số Mỹ có làm việc với các nhà Hoạch định Tài chính Cá nhân (Financial Planner), tại Singapore hơn 61% dân số đều sử dụng dịch vụ Financial Planning và tại các nước Châu Á khác tầm 55%.

Thời kỳ Baby Boomer (bùng nổ trẻ sơ sinh) diễn ra ở các nước phương Tây vào giai đoạn sau Chiến tranh thế giới thứ 2 (1946 – 1964), khi các quốc gia này thúc đẩy gia tăng dân số để bù đắp một lượng lớn dân số đã hy sinh vì thế chiến. Hiện tượng gia tăng đồng loạt về mặt dân số ở một thời điểm góp phần lấp đầy một “khoảng trống” lớn tại thời điểm đó, nhưng đồng thời cũng gây nên áp lực to lớn lên câu chuyện an sinh xã hội của các quốc gia này khi thế hệ Baby Boomer nói trên đồng loạt nghỉ hưu vào một thời điểm.

Đối với Việt Nam, thế hệ Baby Boomer ra đời vào giai đoạn từ 1976 – 1984, như vậy, dự tính đến năm 2030 – 2040, Việt Nam sẽ đón một thế hệ người về hưu rất lớn. Chính phủ của các quốc gia đứng trước áp lực lớn về an sinh xã hội, không những cần xây dựng chính sách hưu trí để kịp thời đáp ứng, mà còn cần đảm bảo sự phát triển đi lên trong dân trí tài chính để nhanh chóng giúp người dân có phương án bảo vệ tài chính và đảm bảo tài chính tuổi hưu.

Tại Việt Nam, dẫu vai trò của dân trí tài chính đối với từng cá nhân và gia đình đang ngày càng trở nên quan trọng, nhưng so với thế giới, dân trí về tài chính Việt Nam xếp 90/118 nước (Standard & Poor. 2014). Chỉ 24% người trưởng thành ở Việt Nam được xếp vào hạng có trình độ dân trí về tài chính ở mức cao. So với các nước trong khu vực, Việt Nam được xếp vào hàng thứ 11/16 nước Đông Nam Á (MasterCard, 2014). Một nghiên cứu đánh giá trình độ dân trí về tài chính của phụ nữ thuộc nhiều quốc gia trong đó Việt Nam xếp thứ 25 trong tổng số 27 nước được khảo sát (Visa, 2013).

Ngành Financial Planning ra đời mang trọng trách cao cả trong việc “nâng cao dân trí tài chính” của cộng đồng. Từng buổi tư vấn kéo dài 2-4 tiếng là từng lần Financial Planner cùng khách hàng đi sâu vào phân tích những vấn đề tài chính nan giải và cùng họ đưa ra giải pháp, đó cũng là từng lần Financial Planner giúp khách hàng của mình hiểu biết hơn rất nhiều những kiến thức tài chính có ứng dụng thực tiễn.

“Financial Planning” và “dân trí tài chính” là 2 cụm từ mang ý nghĩa phát triển cùng tiến. Financial Planning phát triển ở Việt Nam đồng nghĩa với việc đang ngày càng có nhiều người hơn nhận ra tầm quan trọng của việc có một kế hoạch tài chính và một “bác sĩ tài chính” song hành với mình trong suốt các giai đoạn quan trọng của cuộc đời. Đó vừa là điều kiện, vừa là kết quả của sự nâng tầm trong dân trí tài chính của người Việt.

Hiện tại khu vực Đông Nam Á, cả 4 nền kinh tế vượt trội hơn Việt Nam theo thứ tự là Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia đều đã phát triển ngành Financial Planning cả trong môi trường giáo dục ( đào tạo bậc Đại học và Sau Đại học)  và môi trường hành nghề chuyên nghiệp ( các Financial Planner sẽ do Ủy Ban Chứng Khoán hoặc Bộ Tài Chính giám sát và cấp chứng chỉ hành nghề ). Cho nên vấn đề ngành dịch vụ này phát triển tại Việt Nam chỉ là thời gian khi mà các yếu tố về thu nhập trong dân, tỷ lệ dân số tham gia vào thị trường tài chính, mức độ đa dạng của các sản phẩm tài chính đang dần tiệm cận vào vùng phù hợp cho Financial Planning bắt đầu xuất hiện và đặt nền móng cho một giai đoạn mới đối với lĩnh vực tài chính cá nhân.

FPSB và mạng lưới toàn cầu do FPSB quản lý CFP và các chương trình chứng nhận khác tại 27 quốc gia trên toàn cầu :

* Châu Đại dương : Úc, New Zealand

* Châu Phi : Nam Phi

* Châu Mỹ : Mỹ, Canada, Columbia, Peru, Brazil

* Châu Âu : Anh, Pháp, Đức, Ireland, Hà Lan, Thuỵ Sĩ, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ

* Châu Á : Trung Quốc, Nhật, Hàn, Đài Loan, Hongkong

* Khối Asean : Singapore, Malaysia, Thailand, Indonesia

Nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng tầm dân trí tài chính cho Việt Nam, cũng như góp phần thực hiện Chiến lược Tài chính toàn diện Quốc gia của Chính phủ, ngày 05/01/2023, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) đã tổ chức buổi tọa đàm “Hoạch định Tài chính Cá nhân tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”. Với mục tiêu kết nối 4 nhà : Nhà nước, Nhà khoa học, Nhà tư vấn và Nhà đầu tư cá nhân, buổi tọa đàm thảo luận về các vấn đề lý thuyết và thực tiễn liên quan đến lĩnh vực Hoạch định Tài chính Cá nhân.  

Đồng thời, tại đây cũng diễn ra lễ ký kết Biên bản Thỏa thuận Hợp tác giữa VFCA với Công ty CP FIDT và Đại học Hoa Sen để phát triển hoạt động tư vấn Tài chính Cá nhân tại Việt Nam.

Nguồn : Linh Yoo
Biên tập: Trần Thị Mai Hân

Financial Planning phát triển thế nào trên toàn thế giới ? Sự ra đời của FBSB – Webketoan – Tư vấn Kế toán online

Exit mobile version