Vốn ODA là gì? Ưu và nhược điểm của nguồn vốn ODA?

Đăng bởi: Chinh Nguyễn - Tuesday 04/07/2023 - 4367 lượt xem.

Vốn ODA là một hình thức đầu tư đến từ nước ngoài có khả năng hỗ trợ phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân của một quốc gia. Cùng Webketoan tìm hiểu cụ thể về khái niệm vốn ODA, đặc điểm, ưu nhược điểm, các hình thức cung cấp vốn và phân loại qua bài viết dưới đây! 

Vốn ODA là gì?

Vốn ODA (Official Development Assistance – Hỗ trợ phát triển chính thức) là nguồn tiền cho vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp đến từ nhà đầu tư nước ngoài cho Nhà nước và nhân dân các nước nhận viện trợ. Mục đích cuối cùng của khoản cho vay này là hỗ trợ phát triển, đảm bảo phúc lợi an sinh xã hội.

vốn ODA là gì?

Đặc điểm của vốn ODA

  • Nguồn vốn hợp tác phát triển: Đây là hình thức hợp tác giữa chính phủ của các nước phát triển, tổ chức quốc tế với các nước chậm phát triển hay đang phát triển bằng các khoảng cho vay ưu đãi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp hàng hóa,… Bên nhận viện trợ cần có trách nhiệm sử dụng nguồn vốn đúng mục đích nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế và cải thiện điều kiện đời sống của người dân.
  • Nguồn vốn nhiều ưu đãi: Mức lãi suất của các khoản vay ODA là rất thấp, dao động từ vài phần trăm/năm; nếu là ngân hàng thế giới (WB) thì khoản vay sẽ có mức lãi suất 0%/năm. Bên cạnh đó, vốn ODA có thời hạn cho vay dài, thường trên 30 năm đi kèm với mức lãi suất tín dụng thấp, thời gian ân hạn cũng tương đối dài,…
  • Kèm theo điều kiện ràng buộc: Các nước viện trợ sẽ đề xuất những chính sách, quy định ràng buộc về kinh tế, chính trị hay khu vực địa lý để vừa đạt được ảnh hưởng về chính trị, vừa đem lại khoản thu lợi nhuận.

Ưu, nhược điểm của vốn ODA

Ưu điểm của vốn ODA đối với nước được nhận viện trợ:

  • Nguồn vốn vay trong thời gian dài với lãi suất thấp hoặc 0%, thời gian ân hạn tương đối dài.
  • Ít nhất 25% trong tổng vốn vay ODA không cần hoàn lại.
  • Đây là nguồn tiền vốn quan trọng dành cho việc phát triển kinh tế – xã hội ở những nước chậm phát triển hoặc đang phát triển.

Nhược điểm của vốn ODA đối với nước được nhận viện trợ:

  • Nước đi vay phải gỡ bỏ hàng rào thuế quan với những mặt hàng đến từ nước viện trợ.
  • Nước tiếp nhận nguồn vốn ODA phải mua thiết bị, sử dụng nhân sự, thuê dịch vụ,… từ nước cho vay với chi phí cao.
  • Nước nhận viện trợ cần thực hiện các điều khoản thương mại mậu dịch đặc biệt.
  • Nước cho vay vừa được tiếng là nước viện trợ ODA, vừa đạt được lợi ích từ chính trị, quyền lợi kinh tế.
  • Khoản vốn vay có thể tăng cao vì chịu ảnh hưởng từ sự biến động của tỷ giá hối đoái,
  • Nếu tình trạng tham nhũng, thiếu kinh nghiệm quản lý, lãng phí,… xảy ra trong thời gian sử dụng vốn ODA sẽ vô cùng nguy hại cho nước đi vay.

Các loại vốn ODA phổ biến

Vốn viện trợ không hoàn lại

Vốn ODA không hoàn lại được sử dụng để đầu tư cho các dự án đặt tại nước nhận viện trợ theo thỏa thuận của 2 bên. Bên cho vay sẽ đảm nhận vai trò nhà thầu và nước tiếp nhận sẽ không cần hoàn trả lại. Đây có thể xem là một nguồn thu ngân sách của Nhà nước.

Viện trợ có hoàn lại

Nước nhận viện trợ sẽ phải thanh toán khoản vay ODA. Tuy nhiên, thời hạn hoàn trả sẽ kéo dài (từ 25-40 năm) đi kèm với mức lãi suất thấp (dưới 2%). Tín dụng ưu đãi thường chiếm mức tỷ trọng lớn trong tổng số vốn ODA trên toàn cầu và được đầu tư chủ yếu vào những hạng mục phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội.

Viện trợ hỗn hợp

Viện trợ hỗn hợp được cấu thành từ một phần viện trợ không hoàn lại và phần còn lại là viện trợ có hoàn lại với thời hạn thanh toán dài, mức lãi suất ưu đãi. Trong đó, phần vốn không hoàn lại thường chiếm trên 25% tỉ trọng vốn vay.

Trên đây là những thông tin quan trọng liên quan đến vốn ODA mà bạn cần biết. Có thể thấy rằng, nguồn vốn viện trợ đến từ các nhà đầu tư quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong chi Ngân sách nhà nước khi giúp phát triển kinh tế, xã hội.

Nguồn tham khảo: thuvienphapluat.vn, topi.vn