Xu hướng đầu tư liên kết ngành dọc

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Friday 09/08/2013 - 5358 lượt xem.

Đầu tư tài chính đồng thời hoàn thiện chuỗi cung ứng giá trị đã và đang là xu hướng mang lại lợi nhuận không nhỏ cho nhiều DN trong thời buổi kinh doanh khó khăn…

1376010291_ba Mai Thanh - chu tich REE

REE: Khổ vì đầu tư, lãi nhờ liên kết

Một trong những Cty có nhiều duyên nợ trong đầu tư tài chính, tăng tỉ lệ sở hữu liên tục ở các Cty con, liên kết là CTCP Cơ điện lạnh (REE).

Trước đây, REE đã có thời gian lỗ  với nhiều khoản mục đầu tư tài chính khác nhau. Năm 2012, REE rút chân khỏi danh mục đầu tư ngân hàng, với các cổ phiếu STB và ACB. Sau đó, danh mục đầu tư ở REE được tái cơ cấu, bổ sung và gia tăng tỉ lệ sở hữu ở nhiều Cty trong lĩnh vực nhiệt thủy điện, than, nước… Tính đến cuối quý 2/2013, REE có 13 Cty liên kết và một Cty đồng kiểm soát. Trong đó, có nhiều Cty REE hợp nhất theo phương pháp vốn chủ sở hữu như Nhiệt điện Phả Lại (PPC), Than Đèo Nai (TDN)… và nhờ đó mang lại lợi nhuận đáng kể.

Tại các Cty trên, REE đều đang nắm tỉ lệ sở hữu lần lượt từ 22,26% đến 23,24%.  Đáng chú ý trong đó, khoản đầu tư vào PPC sẽ mang lại cho REE lợi nhuận lớn do 6 tháng đầu năm, PPC đã lãi hợp nhất tới 1.300 tỉ đồng. Ở một số Cty khác, REE cũng có tỉ lệ sở hữu khá lớn và điều đó đồng nghĩa với việc nắm quyền biểu quyết trên vốn chủ sở hữu của bên nhận đầu tư.  Danh mục đầu tư liên kết và tỉ lệ sở hữu của REE tại các Cty hiện tại còn lại là: CTCP BOO nước Thủ Đức 42,10%; Đầu tư Hạ tầng BĐS VN 43,67%; Địa ốc Sài Gòn 28,87%; Cơ điện Đoàn Nhất 35,00%… Cũng theo báo cáo hợp nhất quý II/2013, các khoản đầu tư từ những Cty trên đã mang về cho REE khoản lợi nhuận 382 tỉ đồng, thay cho mức lỗ gần 8 tỉ đồng ở cùng kỳ năm trước. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận trước thuế của REE đạt 554 tỉ đồng, gấp 3 lần quý 2/2012, và giúp kết quả lũy kế 6 tháng LNTT đạt gần 700 tỉ đồng, tăng 33% cùng kỳ năm trước, hoàn thành 98,3% kế hoạch năm.

Nếu trước đây REE đã từng chiến thắng trên thị trường tài chính nhờ đầu tư vào danh mục BĐS và thị trường vốn, để rồi sau đó gặp khó khăn thua lỗ do thị trường đi xuống và buộc phải thay đổi chiến lược đầu tư, thì danh mục đầu tư mới, đã cho thấy REE xác định một hướng đi mới: Liên kết theo nhóm ngành trong chuỗi hoạt động lõi của DN đầu tư – sâu và dài hạn thay vì ngắn hạn cho các  DN xoay quanh ngành cốt lõi mà DN đầu tư am hiểu.

SSI và những DN khác

Cũng như REE, trên thị trường đang có khá nhiều DN chọn con đường liên kết rộng và sâu để hoàn thiện một chuỗi giá trị hoặc nắm quyền biểu quyết trên vốn chủ sở hữu. Tuy vậy, nếu sự xoay chuyển của REE từ BĐS, ngân hàng sang điện, than, nước được xem là hợp lý vì các DN này đều liên quan đến Cơ, Điện, Lạnh và gắn kết chuỗi cung ứng năng lượng, nhiệt lượng cho cộng đồng, thì sự xoay chuyển của SSI – CTCP chứng khoán Sài Gòn – từ một định chế tài chính hàng đầu, có thị phần môi giới Top đầu sang trọng tâm đầu tư vào nông nghiệp bền vững vẫn khiến nhiều người ngạc nhiên. Vấn đề là SSI đã chứng tỏ con đường họ đi không quá gập ghềnh bởi cho đến quý II/2013, danh mục đầu tư vào các Cty liên kết cũng đã mang về cho SSI khoản lợi nhuận 105 tỉ đồng, chiếm ½ lợi nhuận trước thuế 302,5 tỉ đồng. Kinh nghiệm dày dạn đã giúp SSI “tăm” được những “vỉa vàng” thực sự: Trong số 200 Cty có doanh thu dưới 1 tỉ USD tốt nhất Châu Á năm 2013 theo xếp hạng của Forbes, có 10 DN VN; Top 10 DNVN, lại có tới 3 Cty liên kết với SSI gồm: CTCP Giống cây trồng trung ương, CTCP Giống cây trồng miền Nam, CTCP Vệ sinh công nghiệp PAN Pacific (là Cty của ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch SSI sáng lập). Như vậy, có thể nói SSI đã tạo ra một kỳ tích chỉ sau một thời gian ngắn phát triển danh mục đầu tư dài hạn – liên kết với các Cty nông nghiệp.

Nếu soi kỹ hoạt động của 10 DN lọt bảng xếp của Forbes, cũng sẽ phát hiện thêm nhiều điểm thú vị. Ví dụ, tại CTCP đường Ninh Hòa (NHS), DN đứng đầu danh sách, hiện cũng đang đầu tư liên kết các Cty mía đường 333, Mía đường Phan Rang, Mía đường Nhiệt điện Phả Lại với tỉ lệ sở hữu lần lượt 42,10%; 41,90%; 22,98%, với tổng giá trị hơn 196 tỉ đồng và lợi nhuận thu được quý I/2013 từ các Cty liên kết này đạt 12,7 tỉ đồng (nguồn: BCTCHN NHS quý I/2013). Cty PAN Pacific trong quý II/2013 vừa nâng tỉ lệ sở hữu tại CTCP XNK thủy sản Bến Tre từ 24% lên trên 54%, đưa Cty này từ đơn vị liên kết lên đội ngũ Cty con. Tuy nhiên, nếu tính theo báo cáo hợp nhất quý I/2013 thì danh mục Cty con của PAN chỉ bao gồm Cty TNHH MTV Liên Thái Bình, Cty TNHH MTV dịch vụ Xuyên Thái Bình, CTCP thương mại PAN, trong khi đó 2 Cty liên kết là Thủy sản An Giang và Bến Tre tại thời điểm quý I chỉ mang về cho PAN 3,6 tỉ đồng lợi nhuận, song đó vẫn là một tín hiệu rất tốt so với năm 2012 …

Cơ hội hút vốn

Có thể thấy hoạt động đầu tư liên kết không phải đến bây giờ mới nhộn nhịp. Nhưng cũng chỉ mấy năm gần đây, khi thị trường chứng khoán khó khăn và đầu tư tài chính không còn dễ dàng như trước, nhiều DNNVV mới tính đến chuyện đầu tư theo chiều dọc và chiều sâu, nhằm giúp DN được đầu tư có thêm nguồn vốn để phát triển, vừa giúp chủ thể đầu tư có thể hưởng lợi trực tiếp (cổ tức, lợi nhuận được chia) hoặc hưởng lợi gián tiếp (đón đầu vào, hướng đầu ra cho chuỗi giá trị cung ứng của DN mình). Tất nhiên, không loại trừ có những DN đã và đang có chiến lược đầu tư theo chiều ngang, tiến đến thâu tóm các DN được đầu tư để loại bớt đối thủ cạnh tranh hoặc để chi phối DN đó cho mục đích phát triển riêng. Nhìn chung, các trường hợp đó dường như vẫn đang rất ít trong mô hình đầu tư giữa các DN Việt với nhau.

Ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn – Thạc sĩ Tài chính cho rằng việc các DN Việt liên kết, đầu tư theo chiều dọc, xây dựng chuỗi giá trị trong cùng những lĩnh vực liên quan đến một ngành nghề là xu hướng nên được nhân rộng, phát triển. Theo ông DN Việt rất khó có thể cạnh tranh với các DN nước ngoài nếu đơn phương hoạt động. “Có thể thấy điều đó rất rõ qua hiện tượng Hùng Vương Group đầu tư vào thức ăn chăn nuôi Việt Thắng và Việt Đan. Hùng Vương liệu có thể cạnh tranh lại với các DN nước ngoài được không nếu bị động về nguồn cung thức ăn chăn nuôi thủy sản vốn đang bị CP Group hay một vài DN nước ngoài khác thâu tóm và chia nhau thị phần? Vì lẽ đó, một nguyên lý cơ bản: Sức mạnh của bó đũa sẽ luôn mạnh hơn sức mạnh của những cây đũa đơn lẻ”.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia đầu tư khác thì việc “so bó đũa” để thấy các DN liên kết đang ăn nên làm ra nhờ liên kết vẫn chỉ là “chọn cột cờ” – đang chỉ là xu hướng mới manh nha chứ chưa thật sự được mọi DN cùng ý thức khi đầu tư, chọn đối tác liên kết. “Các DN Việt thường gặp một vấn đề khá nghiêm trọng, dạng “người nhà không tin nhau”. Sự bất tin dẫn đến việc liên kết lỏng lẻo, ít đi theo một con đường hoạch định rộng hoặc sâu rõ ràng theo cách thức hai bên cùng có lợi. Vì lẽ đó, càng khó khăn, DN Việt càng cần ngồi lại, minh bạch với nhau về mục đích đầu tư, liên kết để tìm lối ra. Thậm chí, trong một số trường hợp các DN có tiềm năng và đang khát vốn, có thể hạ giá bán vốn thật thấp với những điều khoản ảnh hưởng có thỏa thuận rõ ràng để hút vốn đầu tư từ DN đối tác, đó cũng là tạo cơ hội cho mình có thêm nguồn lực phát triển trong một giai đoạn nhất định”.

Dù mới manh nha, nhưng rõ ràng xu hướng đầu tư liên kết ngành dọc đã và đang chứng minh sự hợp thời, thay cho hi vọng hùng mạnh nhờ đa ngành của các DN trước đây. Cơ hội để các DNNVV định vị lại năng lực và vị thế của mình nhờ hoạt động đầu tư, liên kết giữa những đối tác cùng ngành, cùng chuỗi giá trị, cũng là cơ hội cho nhiều DNNVV khác có bệ đỡ thực hiện khao khát trỗi dậy trong tương lai, đang hiện hữu ở ngay môi trường kinh doanh đầy biến động.

Lê Mỹ
Theo DDDN