Xử lý hình sự doanh nghiệp nợ BHXH

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Tuesday 10/07/2018 - 5656 lượt xem.

Hiện nay, vấn đề doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài chắc không còn xa lạ, tuy nhiên doanh nghiệp Nợ BHXH bị xử lý hình sự vẫn còn là khá mới mẻ.

Lần đầu tiên một chủ doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động tại TPHCM bị đề nghị điều tra xử lý hình sự theo quy định tại Bộ luật hình sự mới có hiệu lực từ 1.1.2018.

                             Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: internet

Theo giám đốc của cơ quan BHXH TPHCM đã chuyển hồ sơ vụ Công ty TNHH Nam Phương (huyện Củ Chi, TPHCM) nợ BHXH sang Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và Tham nhũng (PC46, Công an TPHCM) để đề nghị điều tra chủ doanh nghiệp này về hành vi trốn đóng BHXH, theo Điều 216 Bộ Luật Hình sự (năm 2015).

Trốn bhxh

                                    Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: internet

Công ty TNHH Nam Phương nợ BHXH hơn 28 tỉ đồng, kéo dài trong 4 năm qua. Đây là trường hợp doanh nghiệp đầu tiên của TPHCM và trong cả nước nợ đọng BHXH bị chuyển sang cơ quan điều tra để xem xét xử lý hình sự hành vi trốn đóng BHXH cho người lao động.

“Điều 216. Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
1. Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;
d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;
c) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.”

Giám đốc của cơ quan BHXH TP.HCM cho biết, từ nay đến cuối năm 2018, BHXH TPHCM phối hợp với Sở LĐTB-XH TPHCM, Sở Y tế, LĐLĐ TPHCM, Công an TPHCM để thanh, kiểm tra thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn TP. Các đơn vị thực hiện thanh tra chuyên ngành tại các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Với trường hợp nợ kéo dài, nghiêm trọng, sẽ chuyển hồ sơ sang công an đề nghị xử lý hình sự. Đồng thời, bêu tên các doanh nghiệp vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Nguồn tham khảo: Báo SGGP