Xử lý nợ xấu dễ thế ư ?

Đăng bởi: Nguyễn Hải Tâm - Thursday 06/09/2012 - 4495 lượt xem.

 

Nhiều biện pháp xử lý nợ xấu đã được đề xuất, song hình như các nhà quản lý vẫn còn phân vân.

 

Gần đây báo chí đưa một tin rất đáng chú ý về biện pháp xử lý nợ xấu bằng việc sáp nhập ngân hàng qua kinh nghiệm sáp nhập “thành công” Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (HBB) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Sau sáp nhập, tên ngân hàng vẫn là SHB, vốn điều lệ gần 9.000 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 120.000 tỷ đồng. 

Trong hoạt động kinh tế, việc sáp nhập hay chia tách doanh nghiệp (gồm cả ngân hàng) không phải là chuyện lạ và mỗi trường hợp đều có những lý do cụ thể của nó. Tuy nhiên, trong bối cảnh nước ta hiện nay, việc HBB sáp nhập vào SHB được đặt trong khuôn khổ tái cơ cấu ngân hàng nhằm xử lý nợ xấu của HBB.

 

Song, vấn đề đáng bàn không phải là bản thân việc sáp nhập này, mà là sự vội vã đánh giá vụ này như “một bài học xử lý nợ xấu thành công” (!). 

Được biết, HBB bị xóa sổ khi nó ở tuổi 23, về tuổi thì đã trưởng thành, nhưng lại đang quẫn bách. Vào thời điểm trước sáp nhập, nợ xấu của HBB đã lên tới 23% tổng số dư nợ, khoảng 3.729 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ có hơn 4.000 tỷ đồng.

Để bảo đảm hoạt động, HBB tất phải đi vay. Riêng khoản lãi tiền vay này mỗi năm ngốn tới 500 tỷ đồng. Trong hoàn cảnh như vậy, nếu không được hay không muốn phá sản, HBB chỉ có một con đường là sáp nhập vào một ngân hàng lớn mạnh hơn, cụ thể là vào SHB, bởi HBB không còn có thể huy động vốn đầu tư bổ sung từ cổ đông.

Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là sau sáp nhập, nợ xấu (của HBB) được xử lý như thế nào. Điều này có lẽ chỉ có SHB và Ngân hàng Nhà nước biết.

Nếu cuộc sáp nhập này thật sự là một thành công trong xử lý nợ xấu, thì rất cần công khai hóa biện pháp đã thực hiện để các nơi học tập, vận dụng.

Song, với kiến thức kinh tế sơ đẳng, người ta không thể tin được chỉ cần sáp nhập là giải quyết xong nợ xấu, bởi sáp nhập cũng như chia tách chỉ là sắp xếp lại tổ chức, có thể nâng cao chất lượng quản lý kinh doanh, nhưng không thể lập tức biến nợ xấu của HBB thành nợ không xấu của SHB được.

Con số nợ xấu tuyệt đối của hai ngân hàng này trước và sau sáp nhập không thay đổi. Nhưng số nợ xấu tương đối (tỷ lệ nợ xấu so với dư nợ) thì nợ xấu của HBB trước sáp nhập là 23% như đã biết, nhưng sau sáp nhập, nợ xấu của SHB (sau khi đã tiếp quản HBB) lại chỉ còn có 8,6%. 

Chính hai con số 23% và 8,6% này dễ lập lờ đánh lận con đen là bản thân việc sáp nhập đã khiến cho nợ xấu của HBB giảm xuống. Hy vọng rằng SHB, với khả năng tài chính mạnh hơn và kinh nghiệm dày dạn hơn, sẽ xử lý được những nợ xấu hiện diện khi sáp nhập, song để làm được việc này phải có những biện pháp hữu hiệu giảm được nợ xấu tuyệt đối, đồng thời cũng phải có thời gian.

Tuy nhiên, ngay từ thông tin nói trên đã có thể thấy một điểm tù mù là: “Sau sáp nhập, SHB đã khoanh lại nợ của 50 khách hàng doanh nghiệp lớn nhất, chiếm 65% tổng dư nợ tín dụng của HBB để có phương án xử lý cụ thể”.

Khoanh nợ là gì? Phải chăng khoanh nợ có thể làm giảm nợ xấu? Phải chăng trong con số nợ xấu 8,6% đẹp đẽ của SHB sau sáp nhập đã trừ đi 65% nợ xấu của HBB trước sáp nhập? 

Có lẽ quá say sưa với “thành công” trong thủ thuật sắp đặt các con số như trên, nên đã có dự đoán về khả năng Ngân hàng Nhà nước đứng ra mua nợ xấu “ế” (như 65% nợ xấu của HBB bị khoanh lại) và qua đó sẽ sở hữu một phần vốn điều lệ của ngân hàng gặp gánh nặng (?!).

Thực ra Ngân hàng Nhà nước, một khi đã dựa vào nguồn lực vô tận là phát hành thêm tiền giấy, mà ra tay, thì bao nhiêu nợ xấu ngân hàng cũng đều sẽ xử lý được hết. Nhưng vấn đề đặt ra là ai phải trả giá cho số tiền phát hành thêm đó?

Phải chăng đó là người dân phải trả qua “thuế lạm phát”. Và vị trí của Ngân hàng Nhà nước sẽ ra sao, một khi Ngân hàng Nhà nước trở thành đồng chủ sở hữu các ngân hàng thương mại?

 

 
 

Theo báo cáo tài chính quý II công ty mẹ của 8 ngân hàng niêm yết, tổng nợ xấu các đơn vị này đang gánh lên tới 20.726 tỷ đồng. Trong đó, 42% nợ xấu của 8 ngân hàng niêm yết là những khoản có thể mất trắng. Trong khi đó, các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank chiếm 70% nợ xấu của nhóm này.